Cách dùng táo mèo chữa cao huyết áp, mỡ máu, gan nhiễm mỡ… như thế nào? Người đau dạ dày có dùng được không? Dacsan.com sẽ nhờ Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) để trả lời cho các bạn các câu hỏi này.
Quả táo mèo khi phơi, sấy khô gọi là sơn tra, một vị thuốc của Đông y có vị chua ngọt, thuộc nhóm tiêu thực hóa tích, giúp dịch vị tăng bài tiết axit mật và pepsin dịch vị, chủ yếu điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều thịt, dầu mỡ, trẻ em ăn sữa không tiêu, giúp ăn ngon miệng. Dịch chiết táo mèo có tác dụng ức chế trực khuẩn E.coli, lỵ, bạch hầu, thương hàn, tụ cầu vàng khá mạnh.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, táo mèo có tác dụng kháng khuẩn, cường tim, làm giãn mạch vành, chống rối loạn nhịp tim, hạ áp, bảo vệ tế bào gan, tăng cường công năng miễn dịch, trấn tĩnh an thần, ức chế ngưng tập tiểu cầu, điều chỉnh rối loạn lipit máu, xơ vữa động mạch, huyết áp cao, phòng ngừa đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, béo phì, viêm cầu thận cấp và mạn tính, hậu sản, ứ trệ, giảm kích thích ruột, tiêu chảy, lỵ.
Chữa trị chứng đầy bụng: 30g táo mèo khô, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày, cần uống 2 – 3 ngày.
Rối loạn mỡ máu: Lấy 50g táo mèo thái phiến đem nấu với 50g gạo tẻ thành cháo. Sau đó cho đường phèn vừa ngọt, chia vài lần ăn trong ngày.
Trị huyết áp cao: Sao đen 12g táo mèo, 12g thảo quyết minh 9g, hoa cúc trắng. Sau đó, tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín khoảng 20 phút, có thể uống thay trà trong ngày.
Giúp tăng cường khả năng tiêu hóa: Dùng 200g táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 – 15ml. Sau khi uống hết rượu, trái táo mèo còn lại trộn với đường kính ăn dần.
Gan nhiễm mỡ: Mỗi ngày ăn 5 – 7 quả táo mèo, hoặc dùng 10 – 15 quả sắc nước uống.
Mỡ máu cao: Táo mèo 15g, lá sen 15g sắc nước uống thay trà trong ngày.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)